GTHN - 25 điểm mà bạn vẫn không thể đến trường vì quá nghèo? Bài học đầu tiên cho các bạn chuẩn bị bước vào đời, là đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Các bạn đã 18 tuổi rồi đấy!
Các bạn năm nay chắc chắn đã bước sang tuổi 18. 18 tuổi ở nước ngoài là cái tuổi tự lập, dù nước họ giàu hơn nước ta.
18 tuổi cũng là tuổi mà bất kỳ đứa trẻ mồ côi nào trong trại tế bần cũng phải tự ra đời kiếm sống. Không biết các bạn có biết điều này không?
Và trong đống sách vở nặng nề do Bộ Giáo dục bắt các em mang mỗi ngày tới trường suốt 12 năm, không biết có trang nào nói về điều này không?
Rất xin lỗi khi tôi phải đặt câu hỏi này vì lâu rồi tôi không xem sách của các em. Còn sách hồi thế hệ tôi, không có dòng nào cả.
Không có, nhưng chúng tôi vẫn tự mò mẫm. Nhà tôi nghèo và nhà nhiều bạn cùng lứa với tôi cũng nghèo. Thậm chí, chúng tôi đã trải qua những ngày cơm phải chia từng bát và luôn trong trạng thái thèm cơm.
10 tuổi, một buổi học, một buổi tôi lang thang cùng chị khắp thành phố Vinh để nhặt phế liệu kiếm sống. Những ngày đông lạnh lắm, áo mỏng tang, tôi và chị đi bộ cả mấy chục cây số để kiếm thêm tiền.
Khi vào trường năng khiếu, tôi đi học xa nhà. Một buổi đi học, một buổi tôi xách cái thùng đi đánh giày. Hồi đó, người ta chưa đi giày nhiều như bây giờ, nên kiếm tiền bằng đánh giày cũng khó lắm.
Gần trường tôi có một cánh đồng. Ở đó, ốc bươu vàng nhiều lắm. Chiều đến, tôi đạp xe ra đó, kiếm cả chục cân ốc. Số tiền đó cũng đủ tôi mua sách, tài liệu để đọc thêm.
Tôi vào Đại học, 18 tuổi. Bố tôi lo vì không đủ tiền đóng cho tôi học, có thể phải bán trâu, bán nhà. Mẹ tôi thì khóc, sợ tôi không thể học được.
Tôi nói với bố mẹ: Cứ để nhà mà ở, để trâu mà cày. Nếu thiếu tiền, con lên xã xin cái văn bản gửi ra trường cho con đóng học phí từng tháng và nếu có thể miễn giảm được chút gì thì tạo điều kiện.
Tôi sẽ cầm mảnh giấy đó ra phòng đào tạo của trường để trình bày tất cả. Vì tôi nghĩ, một môi trường giáo dục sẽ không bao giờ vô cảm với nỗi khổ của sinh viên. Và càng không bao giờ khép cửa lại với những người đi xin cơ hội để phấn đấu.
Và lúc đó, chị gái tôi không muốn em khổ thêm nên đã đưa tiền dành dụm cho tôi đóng tiền học năm đầu. Nhiệm vụ của tôi là phải kiếm việc làm để có thể sống và học một cách an toàn trên đất Hà Nội.
Tôi không cho rằng đó là những ngày đáng sợ hay ký ức hãi hùng gì. Tôi đã tự mở cánh của đời mình và bước vào nó như thế, thay vì ngồi so đo tại sao mình nghèo, và tại sao mình khổ.
Một người dám bước chân vào giảng đường là làm thế nào để mình không nghèo, mình không khổ càng sớm càng tốt, bằng chính những công việc lương thiện.
Hồi chúng tôi, thành phố chưa phát triển các dịch vụ như bây giờ, nên tìm việc làm khó khăn lắm. Quanh đi quẩn lại thì dạy kèm và phụ bán quán cơm. Nhưng hầu hết là dạy kèm.
Bây giờ, các bạn muốn kiếm một việc làm thêm không hề khó chút nào, miễn là đừng đi bán hàng đa cấp, ghi số đề hay làm những việc pháp luật không cho phép.
18 tuổi, nếu còn nghèo khổ, các bạn hãy xem đó là quá khứ. Mạnh dạn bước chân vào giảng đường, gạt nước mắt và tự lực viết nên một trang mới của cuộc đời mình.
Các bạn thi môn Văn được 8,5 điểm, chắc chắn các bạn quá biết những câu chuyện cuộc đời và bản lĩnh của những nhân vật trong trang sách của các bạn. Các bạn có liên tưởng đến câu chuyện của mình không?
Nước mắt sẽ khiến người khác chạnh lòng thương xót. Nhưng chúng ta đừng chọn điều đó. Tình thương chỉ mang tính xoa dịu, làm đẹp thêm cho cuộc đời, nhưng để thay đổi cuộc đời thì đòi hỏi bạn phải có bản lĩnh.
Dù ông Tiên bà Bụt có thật đi chăng nữa…
Các bạn hãy nhìn các bạn sinh viên Việt Nam đi du học đi. Rất nhiều người trong số họ đều là con những gia đình không nghèo nhưng sang xứ người, không ít người trong số họ phải đi làm thêm. Có người thậm chí còn kiếm tiền gửi ngược lại về cho gia đình.
Các bạn nhìn thấy các quán quân Olympia cầm vòng nguyệt quế, rồi có học bổng đi học. Hầu hết khi sang nước ngoài, họ đi chạy bàn để kiếm tiền học. Từ quán quân Ngọc Minh đến Á quân Nguyễn Thành Vinh, Đỗ Hồng Nhung…
Hay kể cả những người như kiện tướng Dance sport Khánh Thi, khi đi học cũng phải đi cọ toilet mỗi ngày để có thêm tiền trang trải cuộc sống nơi xứ người.
Có người có chữ nghĩa, có kiến thức thì viết báo gửi về Việt Nam để kiếm thêm nhuận bút. Họ có thể làm bất cứ việc gì lương thiện, để kiếm thêm tiền học.
Các bạn 18 tuổi, sinh ra trong gia đình nghèo khổ thì việc chịu thương chịu khó đâu phải là một thử thách quá ghê gớm? Và kiếm những việc làm thêm là điều đáng tự hào, chứ không phải là thứ làm xấu đi những khuôn mặt sĩ diện.
Cánh cửa luôn mở ra với những người tự tin và bản lĩnh. Có hai thứ đó, các bạn sẽ làm được nhiều thứ. Tôi không tin là những người làm được nhiều thứ lại có thể khóc lóc lo sợ vì không thể bước vào giảng đường đại học.
Đừng khóc để mọi thứ bi đát thêm. Bụt chỉ hiện lên trong cổ tích. Còn ngoài cuộc đời, cũng có bà Tiên ông Bụt. Họ để lại cho bạn những món nợ ân tình. Các bạn trả nổi món nợ đó không?
Cuộc đời còn dài và còn biết bao thử thách, cứ ngồi khóc thì nước mắt nào các bạn khóc cho hết? Đừng khóc để mọi thứ nặng nề thêm, mà hãy khóc để xoá đi sự nặng nề, nếu có.
Em họ tôi học ngành Y. Nó mồ côi cả cha lẫn mẹ. Lạ thay, khi nó đi thi, nó nghĩ rằng nó thi là để học. Và để học, tự mình nó phải lao động.
Năm đầu tiên nó vay tiền ngân hàng theo chính sách hỗ trợ sinh viên. Món tiền đó nó dùng để đóng tiền học, còn nữa nó vừa học vừa làm thêm ở các phòng khám.
Ra trường cũng là lúc nó trả nợ cho ngân hàng. Khi trả hết nợ, nó ngồi trong phòng giao dịch và khóc một trận như chưa bao giờ được khóc. Rồi nó đứng dậy. Nó hiểu, nước mắt đó, đã làm đời nó nhẹ nhàng hơn dù phía trước còn nhiều khó khăn.
Và nó, chứ không ai khác, là ông Bụt của chính nó. Nó chẳng bao giờ than trách, cũng chẳng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nó đã vượt lên hoàn cảnh của chính nó.
Có một bộ phim tôi không nhớ tựa đề nhưng tôi chỉ nhớ câu thoại: Con người ai cũng được sinh ra bởi hoàn cảnh và việc của ta là phải thay đổi hoàn cảnh ấy. Vâng, ta, chứ không ai khác cả. Chẳng ông Tiên bà Bụt dù họ có thật ngòai cuộc đời chăng nữa.
18 tuổi, làm chủ cuộc đời mình được rồi. Hãy đi đến cùng giấc mơ của chính mình. Các bạn có tuổi trẻ, có sức khoẻ, có tri thức, chắc chắn các bạn vượt qua được.
Hoàn cảnh chỉ là một vật cản ở bước xuất phát, nếu các bạn ý thức được, thì nó lại là một lực đẩy để các bạn tiến xa hơn.
Và tuyệt đối, đừng bao giờ đổ lỗi cho nó. Hãy nhớ rằng, người thành công và sống có giá trị là người không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh.