Thuyết nhân quả của nhà Phật chỉ rõ: Tạo thiện nhân thì gặt thiện quả, gieo nhân ác tất gặp nghiệp báo. Vậy nên, nếu gặp phải hung hại trong đời thì không phải do bạn quá tốt bị người ta lấn lướt mà do bạn đã từng lấn lướt hại người.
Đem nguyên nhân thu thiệt quy kết cho việc lương thiện, thực là quá sai trái. Vì không làm việc xấu cũng chưa chắc đã là người lương thiện. Nhân quả đời người phức tạp vô cùng.
Hôm nay bạn là người tốt nhưng chưa chắc ngày mai bạn đã giữ được lòng từ bi đó. Hôm nay bạn là kẻ ác nhưng biết đâu ngày mai bạn buông bỏ sân si thù hận, "buông dao xuống đất chắp tay thành Phật".
Hôm nay bạn chịu khổ chỉ có thể là do trước đây từng làm điều không lành, phải gánh trách nhiệm, bị người khác lấn lướt do khuyết thiếu trí tuệ, không có nhận thức đúng về cuộc sống.
Nếu bạn còn đang lo lắng "thật thà, lương thiện thường thua thiệt" thì hãy dừng lại ngay. Đây là suy nghĩ quá sai lầm. Đức Phật dạy, trí tuệ của con người là trí tuệ của lòng bao dung, không bao giờ vì bao dung mà khổ đau, cũng không vì từ bi mà bị chiếm lợi.
Nếu ta làm điều thiện mà người khác lợi dụng điều thiện của ta thì ấy là họ gieo nghiệp ác, còn ta vẫn có nghiệp lành. Tại sao lại vì người khác không thiện mà ta cũng không thiện? Người khác thiện thì ta cũng thiện, người khác không thiện thì ta càng phải thiện, để cái thiện của ta trở thành chân giá trị.
Cái thiện và lòng từ bi đi đôi với trí tuệ ưu mẫn và nhận thức đúng đắn về đời sống thì là cái thiện không bao giờ bị thua thiệt. Và hơn hết, quả báo nhân sinh không bao giờ trả nghiệp khổ cho người gieo nhân lành.