Không trải qua mưa gió làm sao thấy cầu vồng!

GTHN - Đường đời phải tự mình đi, gian khổ phải tự mình chịu đựng. Không trải qua mưa gió làm sao thấy được cầu vồng.

khong-trai-qua-mua-gio-lam-sao-thay-cau-vong

Không trải qua mưa gió làm sao thấy cầu vồng, không ai có thể tùy tiện mà đạt được thành công. Ở đời người, bất kỳ khả năng nào có được, bất kỳ thành công nào có được cũng phải trải qua quá trình khổ luyện. Đường đời phải tự mình đi, gian khổ phải tự mình chịu đựng. Sẽ là sai lầm khi ai đó luôn mang suy nghĩ dùng chiêu trò để không làm mà vẫn có ăn, ngồi không mà cướp công người khác.

Có câu chuyện kể: Một ngày nọ, người đàn ông đang đi dạo trong công viên thì nhìn thấy một cái kén đang động đậy trên cành cây. Chắc hẳn đó là một con bướm đang cố thoát ra khỏi cái kén của mình, nghĩ vậy người đàn ông liền tò mò đứng lại để quan sát. Anh muốn biết quá trình biến đổi đầy thú vị từ sâu hóa bướm.


Tuy nhiên, sau khi xem một lúc lâu, anh dần cảm thấy mất kiên nhẫn. Con sâu bướm kia vùng vẫy vất vả trong kén đã lâu nhưng vẫn không thể thoát khỏi. Người đàn ông cố đợi thêm một lúc nữa và cuối cùng, khi hết kiên nhẫn, anh dùng chiếc bấm móng tay mình mang theo để khoét một lỗ nhỏ trên cái kén kia nhằm giúp con sâu chui ra ngoài nhanh hơn.

Thủ thuật này thực sự hiệu quả và rất nhanh sau đó, con sâu bướm đã dễ dàng chui ra khỏi kén. Tuy nhiên, con bướm khi chui ra ngoài có đôi cánh trông rất yếu, dính chặt vào người, dù thế nào cũng không thể duỗi ra được.

Người đàn ông nghĩ rằng nó sẽ nhanh chóng bay lên như trong tưởng tượng bấy lâu của mình nhưng sự thật là nó chỉ vật lộn trong đau đớn chứ không dám nghĩ đến việc bay. Sau một thời gian, nó vẫn không thể di chuyển và cứ như vậy mà chết.

Người đàn ông rất bối rối. Anh đã giúp nó nhưng sao nó lại chết như vậy. Anh đem nỗi thắc mắc của mình đến tìm người bạn nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học và đã tìm được lời giải đáp.

Người bạn kia nói với anh rằng trong quá trình chuyển đổi, đôi cánh của nó teo lại và rất mềm. Khi thoát ra khỏi kén, nó phải trải qua một cuộc đấu tranh đau đớn để bơm máu vào tĩnh mạch trong cánh nhằm khiến đôi cánh trở nên cứng rắn và mạnh mẽ hơn, để nó có thể tự do bay lượn trên bầu trời. Nỗi đau thoát ra khỏi kén phải do chính con sâu bướm gánh chịu, con đường này chúng cũng phải tự mình bước đi, không ai có thể thay thế hay giúp đỡ.


Chân lý cuộc đời cũng vậy. Đường đời phải tự mình đi, đau khổ phải tự mình gánh lấy. Chỉ sau khi trải qua mưa gió, chúng ta mới có thể nhìn thấy cầu vồng và chỉ khi một mình chịu đựng gian khổ trên đường, cuối cùng chúng ta mới có thể gặt hái được quả ngọt của thành công.

Vậy mới nói, khó khăn hay thất bại không có gì ghê gớm, chỉ cần chúng ta từ bỏ được sự tiêu cực, những lời phàn nàn, đối mặt với chúng một cách bình tĩnh, tích cực, dũng cảm và nỗ lực không ngừng, chúng ta sẽ nhìn thấy cầu vồng phía trước.

Alfred Bernhard Nobel là một bậc thầy vĩ đại trong lịch sử khoa học. Để nghiên cứu thuốc nổ an toàn, ông đã tiến hành hơn 400 thí nghiệm, trong số đó có một số vụ nổ cực kỳ nguy hiểm, phòng thí nghiệm nổ tung thành đống đổ nát, em trai của ông qua đời, cha ông cũng bị thương nặng. Lúc đó gia đình và bạn bè khuyên ông từ bỏ việc nghiên cứu vì nó quá nguy hiểm nhưng Nobel không nản lòng. Ông nói nếu vì sợ hãi mà lùi bước thì sẽ không bao giờ thành công.

Tượng Alfred Nobel.

Vì phòng thí nghiệm liên tục xảy ra nổ khiến các gia đình sống gần đó hoảng sợ và không đồng ý cho Nobel tiếp tục làm thí nghiệm, ông phải chuyển đi và lập phòng thí nghiệm trên một chiếc thuyền giữa hồ Mialaren, Thụy Điển. Cuối cùng, vào ngày 3 tháng 9 năm 1867, trên tàu phát ra tiếng nổ lớn, toàn bộ con tàu rung chuyển dữ dội, khói dày đặc bốc ra từ các cửa ra vào và cửa sổ. Một người đàn ông với khuôn mặt lấm lem, máu khắp người bước ra hét thật to: "Thành công! Thành công! Tôi đã thành công rồi." Người đàn ông ấy chính là Nobel. Sự nỗ lực và chăm chỉ đã được đền đáp. Sau khi trải qua biết bao mưa gió cuộc đời, trải qua biết bao gian khổ, cuối cùng ông cũng nhìn thấy cầu vồng đẹp nhất thuộc về mình.
DMCA.com Protection Status
Từ Khoá

#buttons=(Chấp nhận !) #days=(20)

Trang web của chúng tôi sử dụng cookie để nâng cao trải nghiệm của bạn. Tìm hiểu thêm
Accept !