Khi gặp chuyện không vui hay người làm mình không vui, chúng ta thường nghĩ thế này: “Sao anh ta có thể như vậy nhỉ?”, hoặc: “Mình biết anh ấy là loại người này mà!”. Sau đó trong tâm có một ngọn lửa không tên bùng cháy, càng lúc càng dữ dội, thiêu rụi tâm trạng tốt đẹp ban đầu. Nếu những chuyện như vậy thường xuyên xảy ra, bạn sẽ cảm thấy gần đây mọi việc không suôn sẻ, ngày càng có nhiều người bị liệt vào “danh sách đen”.
Làm thế nào để phá vỡ vòng luẩn quẩn này? Bài viết của nhà văn tâm linh Leo Babauta có thể sẽ mang cho chúng ta một vài cảm hứng.
Mỗi người đều sẽ gặp phải những chuyện không vui, và những người không muốn ở cùng. Ngoài những người thân trong gia đình mà chúng ta tiếp xúc mỗi ngày, còn có người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cư dân mạng, họ đều có thể nói điều gì đó hoặc làm điều gì đó khiến bạn không hài lòng, bạn thậm chí có thể cảm thấy có một ngọn lửa nóng giận bốc cháy trong lòng.
Khi có ai đó làm bạn nản lòng, khó chịu, không thông cảm cho bạn, kích động bạn, hoặc thậm chí khiến bạn muốn nổi giận, bạn có thể làm được gì?
Giả sử chúng ta không gặp phải khủng hoảng thực sự, thì cũng không cần phải đưa ra hành động để bảo vệ chính mình, cách tốt nhất để đối phó với người chọc giận chúng ta là thay đổi tâm thái của chính chúng ta hơn là cố gắng thay đổi hành vi của người khác.
Thay đổi người khác là tự làm khổ chính mình
Xem đề nghị này, có người có thể sẽ rất thất vọng: “Rõ ràng là người khác chọc giận tôi, tại sao phải thay đổi chính mình kia chứ?”.
Lý do thực ra rất đơn giản: Chỉ cần một sự thay đổi đơn giản trong tâm, bạn ở cùng với ai đều sẽ rất vui vẻ; còn như bạn cố gắng thay đổi người khác, bạn sẽ chỉ càng ngày càng đau khổ hơn mà thôi.
Trong Phật giáo, Bồ Tát Tịch Thiên từng đưa ra một ẩn dụ như sau:
“Nếu muốn dùng da để phủ hết thảy mặt đất, thì tìm đâu được nhiều da như vậy? Kỳ thực chỉ cần một miếng da nhỏ bọc lấy bàn chân, toàn bộ mặt đất đều như được bao phủ dưới chân”.
“Cũng như vậy, chúng ta vĩnh viễn không thể kiểm soát sự biến hóa của sự vật bên ngoài. Nhưng chỉ cần có thể khống chế, điều phục tâm mình, thì đã quá đủ, cần gì phải kiểm soát những thứ khác?”.
Chỉ với hai đoạn này, Bồ Tát Tịch Thiên đã giảng ra trí huệ trong việc đối nhân xử thế, chính là chỉ cần bạn thay đổi tâm thái, thì có thể chung sống hòa thuận với những người đã chọc giận bạn.
Luyện tập đơn giản để thoát khỏi vòng luẩn quẩn tích lũy cơn nóng giận
Cụ thể cần thay đổi thế nào? Khi thấy mình khó chịu vì hành vi của người khác, bạn sẽ nhận thấy rằng trong đầu não bạn đã bắt đầu vẽ ra một kịch bản chán ghét đối phương, lối tư duy thường là như vậy:
– Anh ấy luôn làm mọi thứ theo cách khó chịu này.
-Tại sao anh ta phải làm vậy?
-Sao anh có thể coi thường người khác như vậy chứ?
⋯
Dòng suy nghĩ này sẽ tiếp tục như ngựa hoang chạy loạn, sau đó khiến người ta càng nghĩ càng tức giận, nhìn nhận về đối phương ngày càng cực đoan. Cuối cùng, nó có thể biến bạn thành người mà bạn không muốn trở thành.
Tại sao chúng ta không thử thay đổi kịch bản trong đầu thành như vậy:
1. Khi gặp chuyện không vui, bản năng trong tâm thường là cự tuyệt. Bạn không thích hành vi của người đó hoặc cách họ nói chuyện, anh ta làm bạn khó chịu và bạn chối bỏ sự việc này, con người này. Nhưng những điều này, những người này lại là một phần của những gì đã xảy ra trong cuộc sống của bạn, và khi bạn nghĩ về chúng theo cách này, cũng bằng như bạn đã chối bỏ một phần trải nghiệm của cuộc sống. Nếu không ngại thì trước tiên bạn có thể ngừng suy nghĩ về việc chối bỏ những điều đó, và thử mở rộng tấm lòng với những trải nghiệm cuộc sống đó của mình.
2. Hãy thử nghĩ xem, nước trong một con sông chỉ có thể chảy xuống hạ du. Nếu bạn khăng khăng muốn nó chảy lên thượng du, cuối cùng bạn sẽ chỉ tự tìm phiền não. Đời người giống như con sông, nếu nó nhất định phải trở nên hoàn toàn khác mới có thể khiến bạn cảm thấy hài lòng, e rằng điều đó sẽ chỉ mang đến cho bạn vô vàn bất hạnh.
3. Bạn cũng có thể coi anh ta như “anh ta” lúc ban đầu, thừa nhận và chấp nhận tính khí và sự tồn tại của anh ta. Hãy nghĩ về họ như những người bình thường có khuyết điểm, họ sẽ làm những việc khiến người khác khó chịu, và họ cũng phải chịu đựng cái khổ giống như bạn vậy. Đó là tính cách của họ. Sao bạn không cố gắng chấp nhận tính cách như vậy?
Đừng trốn tránh và từ chối cuộc sống của bạn, thay vào đó hãy cố gắng chấp nhận cuộc sống như nó vốn có, chấp nhận những con người bình thường trước mặt bạn với nhiều khiếm khuyết và bản chất khác biệt, và đối đãi với nhau bằng sự hòa bình và tử tế từ tận đáy lòng. Và bạn sẽ nhận thấy rằng sau khi làm như vậy, nội tâm bạn đang dần thay đổi, tấm lòng của bạn đang dần rộng mở, anh ta vẫn là anh ta, nhưng bạn đã trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn.