Tôi và Quang Hưng trở thành đồng nghiệp từ 3 năm trước khi được tuyển vào cùng một đợt, làm cùng bộ phận. Trạc tuổi nhau, đều từ tỉnh khác đến thành phố này lập nghiệp nên chúng tôi nhanh chóng kết thân.
Suốt 3 năm qua, trong mắt đồng nghiệp, chúng tôi là bạn tốt. Tuy tính cách có chút khác biệt nhưng về cơ bản là rất hợp nhau như anh em, không chỉ là đồng nghiệp xã giao bình thường. Với tôi, Hưng thực sự là một người bạn thân, có rất nhiều chuyện tôi đều nói với anh ấy đầu tiên.
Một tối nọ, chúng tôi rủ nhau đi ăn sau khi tan làm. Trong lúc trò chuyện, tôi kể với Hưng rằng mới tận dụng mối quan hệ trong công việc, giới thiệu người họ hàng xa vào làm ở một công ty đối tác. Hưng nghe xong liền vừa cười vừa giơ ngón tay cái làm biểu tượng like và nói: “Anh giỏi thật. Sau này tôi có việc gì cũng sẽ nhờ anh giúp”.
Công ty tôi vốn không cho phép nhân viên liên hệ với đối tác như vậy, kể cả khi người họ hàng có năng lực thật sự. Nhưng chuyện này tôi chỉ kể với Hưng và cảm thấy rất yên tâm, không có gì phải lăn tăn. Không ngờ rằng đó lại là thứ để anh ấy uy hiếp mình.
Chuyện bắt đầu khi công ty có sự điều chỉnh nhân sự, bộ phận chúng tôi có một chỉ tiêu được lên chức. Tất nhiên đó là điều tốt nhưng cũng nhanh chóng xuất hiện vấn đề. Cả tôi và Hưng đều được lãnh đạo nhắm đến vì cùng có năng lực, cùng có tâm lý cầu tiến, muốn được thăng chức.
Sau khi biết thông tin Hưng rủ tôi đi ăn tối. Trên đường về, anh ấy đột nhiên nói: “Lần thăng chức này anh nhường tôi được không? Anh có bản lĩnh, biết cách dùng mối quan hệ trong công việc như vậy thì không sợ gì đâu nhỉ? Tôi không có bản lĩnh gì, bỏ lỡ lần này thì không biết bao giờ mới có cơ hội”.
Tôi khựng lại, không thể tin vào tai mình nên quay sang nhìn Quang Hưng và thấy anh ta đang nhìn mình rất nghiêm túc. Ánh mắt anh ta hiện rõ ràng ý định sẽ báo với cấp trên về chuyện của tôi nếu tôi không đồng ý đề nghị này.
Người anh em tốt đang đe dọa tôi để được thăng chức ư? Hoá ra 3 năm gắn bó của tôi và Quang Hưng chỉ là diễn. Đến khi chạm đến quyền lợi và cơ hội tăng lương thì anh ta mới bộc lộ bản chất thật. Người ta vẫn nói thêm bạn thêm vui, tầm quan trọng của bạn bè cũng không phải bàn cãi nhưng từ góc độ ở nơi làm việc thì có vẻ không phải vậy.
Và đây là 3 điều mà tôi nhận ra sau sự việc với Quang Hưng:
Thứ nhất, đồng nghiệp là đồng nghiệp, không phải là anh chị em trong gia đình.
Trong một tập thể có nhiều người, khi có gì bối rối hay bí mật nho nhỏ, ai cũng có xu hướng tìm một người để tâm sự. Lúc này tìm một người đồng nghiệp là lựa chọn tốt nhất. Sau một thời gian dài, khi đã chia sẻ với nhau tất cả mọi thứ, từ những lần bị sếp mắng đến lúc gặp khách hàng khó chịu, cả hai sẽ tự nhiên thân thiết với nhau như chị em bạn dì. Không chừng bạn có thể rút hết ruột gan ra để kể cho đối phương nghe.
Tuy nhiên nơi làm việc dù sao cũng là nơi đem lại quyền lợi và không phải đồng nghiệp nào cũng là người tốt. Vì vậy mà khi có sự cạnh tranh lợi ích, chuyện đe dọa lẫn nhau, vu oan khiến bạn mất cơ hội thăng tiến là hoàn toàn có thể xảy ra. Về điểm này, chức vụ càng cao thì càng rõ ràng, bên ngoài thì có vẻ bình lặng nhưng bên trong lại sóng ngầm dữ dội.
Tục ngữ có câu, hoạ từ miệng mà ra, nếu bạn không cẩn thận, chuyện gì cũng kể hết cho đồng nghiệp thì sớm muộn gì cũng phải trả giá.
(Ảnh: Behance) |
Thứ hai, người phản bội bạn thường là đồng nghiệp tốt nhất.
Trong một công ty, mọi người cùng làm việc vì công việc và công việc chủ yếu là vì thu nhập. Vì vậy, không có bạn bè vĩnh viễn và cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, cùng có lợi là chủ đề chính của nơi làm việc.
Nhiều khi đồng nghiệp có thể đề nghị giúp đỡ khi bạn gặp vấn đề cá nhân, nhưng khi đụng đến quyền lợi, họ sẽ sẵn sàng quay lưng, trở thành đối thủ với bạn.
Bình thường, bạn sẽ cảm thấy đồng nghiệp thân thiết có thể hiểu hết những gì bạn nói, thậm chí chưa nói họ cũng đoán ra được. Còn đồng nghiệp không quen thuộc là những người không hiểu bạn, có thể hại bạn. Nhưng đừng quên vì đã quá hiểu bạn nên người có cơ hội phản bội bạn chỉ có thể là những đồng nghiệp thân thiết mà thôi.
Do đó, khi kết thân với đồng nghiệp, bạn phải học cách duy trì khoảng cách thích hợp, không quá gần gũi và xây dựng bức tường lửa cho bản thân chặn một số rắc rối.
Cuối cùng, học cách kiềm chế sự thất vọng của chính mình.
Đối với mối quan hệ với đồng nghiệp, tốt nhất nên duy trì ở mức độ vừa phải, không quá xa cách và cũng không dồn quá nhiều tâm huyết. Bởi khi phát sinh tình huống cạnh tranh quyền lợi, bạn sẽ không bị tổn thương quá nhiều.
Tất nhiên có một số điều quan trọng hơn lợi ích và bạn phải tự nắm bắt nhưng nhìn chung, nên tự bảo vệ bản thân.
Nếu muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp thì cố gắng giữ nó tránh xa các vấn đề về quyền lợi và đừng thử thách nó.
Ngay cả khi bị đồng nghiệp làm tổn thương, bạn cũng phải chấp nhận sự thất vọng của chính mình, đừng để bản thân bị choáng váng vì bất ngờ.