GTHN - "Con người không thể chỉ dựa vào lời nói suông mà kiếm ăn, lời nói chẳng qua chỉ là mây khói mà thôi. Bạn có thể dùng gương để bắt chim không? Không thể! Đó chỉ là điều hão huyền. Chỉ những kẻ phù phiếm mới thoả mãn bởi những lời nói khoác. Điều chúng ta cần là hành động" - Baltasar Gracian.
Người Trung Quốc xưa có câu: "Thính kì ngôn, quan kì hành", ý nói nhìn nhận, đánh giá một người không chỉ cần nghe họ nói gì, mà quan trọng hơn là phải xem rốt cuộc họ làm như thế nào. Nếu như một người chỉ nói mà không làm hoặc nói một đằng làm một nẻo, thì con người này đáng bị nghi ngờ. Hãy để ý người đó nói có đi đôi với làm hay không, kiểm tra xem anh ta rốt cuộc là hạng người gì, cuối cùng vẫn cần phải thực hiện bằng hành động.
Thời Chiến Quốc, đại tướng quân nổi tiếng của nước Triệu - Triệu Xa - đương thời rất được các nước khác kính nể, cũng vì thế mà thủ lễ khiêm nhường với nước Triệu. Triệu Xa có con trai tên là Triệu Quát, vô cùng thông minh, hoạt bát và rất biết ăn nói. Lúc nhỏ, Triệu Quát thường xem binh thư cùng cha. Sau khi xem xong, cậu nghĩ rằng mình đã học được rồi. Những đạo lí viết trong sách, cậu có thể diễn giải cho người khác nghe một cách sinh động như một người rất am hiểu.
Vì vậy mọi người đều cho rằng cậu bé sau này nhất định sẽ là nhân tài, nước Triệu có được một tiểu tướng quân như vậy, tương lai sẽ không thể suy vong. Triệu Vương đặc biệt yêu thương đứa trẻ này, thường xuyên gọi cậu đến để kiểm tra sự hiểu biết về bài binh bố trận. Triệu Quát quả thực rất thông minh, vừa mới hỏi xong, dường như cậu chẳng cần suy nghĩ đã nói luôn đáp án một cách dõng dạc. Nhiều lần Triệu Xa và Triệu Quát bàn luận về binh pháp, Triệu Xa thường bị con trai làm cho lúng túng. Người đương thời miêu tả Triệu Quát là "đối thao thao bất tuyệt, đáp làu làu như nước chảy", hễ bàn luận là lời lẽ ào ào tuôn ra.
Chính vào lúc ai cũng sủng ái Triệu Quát như vậy, người làm cha lại đưa ra những lời phê bình cảnh tỉnh một cách nghiêm khắc: "Người có tài không ỷ vào chuyện anh ta biết ăn nói đến đâu, mà mấu chốt là có được mấy phần bản lĩnh thực tế, và có vận dụng được trong thực tế được không. Đặc biệt khi ra trận, những điều binh thư viết đều là đạo lí và nguyên tắc bình thường, nhớ được nó là chưa đủ, quan trọng hơn, người chỉ huy nhất định phải biết vận dụng linh hoạt những đạo lí trừu tượng vào tình hình thực tế. Vì vậy, điều con cần bây giờ không phải là ngày nào cũng đi khắp nơi để khoe khoang, trình diễn những thứ gọi là tri thức tác chiến, mà nên đích thân đến chiến trường tham gia chiến đấu để học tập, nâng cao năng lực của mình bằng hành động"
Tuy nhiên, lời dạy bảo không làm thức tỉnh Triệu Quát. Triệu Quát cho rằng những kiến thức về binh pháp mà mình nắm được thế đã là quá đủ rồi, những người xung quanh cũng bị mê hoặc bởi lời nói của cậu, cho rằng cậu sẽ gặt hái được nhiều thành công lớn trong tương lai.
Khi Triệu Quát trưởng thành, Triệu Xa cùng khá nhiều các vị tướng quân khác của nước Triệu đã về già. Nước Tần biết rằng, thời cơ tốt để nuốt chửng nước Triệu đã đến, liền quyết định xuất binh công phá nước Triệu. Có người tâu với Tần Vương rằng: "Tuy những tướng quân ưu tú như Triệu Xa đã già rồi, nhưng chúng tôi nghe nói Triệu Xa còn có một người con trai, đọc rất nhiều binh thư, biết rất nhiều binh pháp tác chiến, khi Triệu Xa và hắn bàn luận về chiến tranh, ông ta thường xuyên bị con trai làm cho lúng túng. Triệu Xa thậm chí còn không nói lại được con trai ông ta đó! Hắn nhất định rất lợi hại, chúng ta không thể coi nhẹ được."
Tần Vương nghe xong, cười lớn: "Kẻ chỉ biết nói khoác cũng chỉ vô dụng mà thôi, đánh giá một người không thể chỉ nghe lời nói của hắn. Ta biết Triệu Quát rất am hiểu binh pháp, nhưng đừng quên, Triệu Quát là một người chưa từng đánh trận, chỉ biết đàm binh trên giấy mà thôi! Trong tác chiến thực tế chắc chắn là không nên trò trống gì."
Tin đồn nước Tần sẽ tấn công nước Triệu đã lan tới tai Triệu Vương, Triệu Vương lập tức triệu tập các đại thần bàn bạc xem ai có thể đảm đương chức đại tướng quân, chiến đấu với Tần binh. Có người đề bạt Triệu Quát, dường như đã trúng ý của Triệu Vương, vì người luôn tin tưởng và sủng ái Triệu Quát. Nhưng Triệu Xa và một số lão tướng quân đều phản đối kịch liệt, họ biết rằng, Triệu Quát thiếu năng lực hành động thực tế. Vậy mà, Triệu Vương lại không hiểu được điều này, cố ý phong Triệu Quát làm chỉ huy tác chiến.
Thế là một Triệu Quát tràn đầy tự tin, hùng dũng dẫn theo bốn mươi vạn đại quân nước Triệu tiến về phía trước. Tần – Triệu đánh một trận quyết chiến tại Trường Bình. Triệu Quát căn cứ theo đạo lí được viết trong binh thư, bèn bố trí quân đội đóng quân trên núi mà không hề biết rằng đây chính cơ hội tốt cho quân Tần bao vây. Tần lập tức bao vây chặt xung quanh núi. Tình thế vô cùng bất lợi cho quân Triệu, Triệu Quát bất đắc dĩ đành phải dẫn quân phá vòng vây, nhưng tất cả đều đã quá muộn.
Trong chiến dịch Trường Bình, Triệu Quát anh dũng hy sinh. Càng đau xót hơn, theo như những ghi chép lịch sử có liên quan, rất nhiều binh sĩ nước Triệu đã bị bắt sống làm tù binh, cuối cùng bị chôn sống. Lần đó nước Triệu bị mất trắng cả bốn mươi vạn tinh binh, và rất nhanh sau đó đã bị diệt vong.
Bi kịch này cho chúng ta hiểu rõ một lần nữa: Con người không thể chỉ dựa vào lời nói suông mà kiếm ăn, lời nói chẳng qua chỉ là mây khói mà thôi. Bạn có thể dùng gương để bắt chim không? Không thể! Đó chỉ là điều hão huyền. Chỉ những kẻ phù phiếm mới thoả mãn bởi những lời nói khoác. Điều chúng ta cần là hành động.
*Nội dung trích cuốn "Người thành công có 1% suy nghĩ khác bạn", Chu Châu Bản.